“Đồ nghề” của phóng viên thời công nghệ số

Các thiết bị truyền thông di động được dân làm báo ưa thích đều phải đảm bảo được các yếu tố: nhỏ gọn, hoạt động bền bỉ trong điều kiện di chuyển liên tục qua nhiều môi trường khác nhau.

Các thiết bị truyền thông di động được dân làm báo ưa thích đều phải đảm bảo được các yếu tố: nhỏ gọn, hoạt động bền bỉ trong điều kiện di chuyển liên tục qua nhiều môi trường khác nhau.

1. Máy tính xách tay

Để thích hợp với những chuyến đi xa, yêu cầu về khả năng kết nối và thời gian dùng pin được đưa lên hàng đầu. Nếu viết xong bài, chụp xong hình mà không gửi được ngay về toà soạn thì việc mang theo máy tính trở thành vô ích.

“Đồ nghề” của phóng viên thời công nghệ số - Ảnh 2

Máy tính xách tay phải tương thích rộng với những kết nối cơ bản như Enthernet, WiFi để kết nối Internet, Bluetooth để giao tiếp với thiết bị số trợ giúp cá nhân (PDA) và điện thoại di động, kết nối IEEE 1394 để tải hình ảnh từ máy quay phim, … Tiếp theo đó là những tiêu chí về trọng lượng, kích thước, độ bền bỉ khi vận hành, tính bảo mật và khả năng hỗ trợ nhiều thiết bị ngoại vi như DVD/CD, đầu đọc thẻ nhớ, …

2. Máy ảnh số

Máy ảnh phim đã nhường hẳn vị trí của mình cho máy số trong lĩnh vực báo chí. Đây là loại thiết bị có sự khác biệt lớn nhất so với các sản phẩm thông thường. Máy compact dạng ngắm – chụp chỉ xuất hiện trong những buổi họp báo thông thường. Vật bất ly thân của dân chuyên nghiệp là những máy D-SLR kềnh càng với ống kính lớn. Khi tác nghiệp, phóng viên ảnh chuyên nghiệp có thể mang tới 2-3 chiếc máy. Một chiếc gắn ống kính tiêu cự dài (tele zoom) để “bắn” từ xa, một chiếc gắn ống tiêu cự ngắn hoặc tầm trung để chụp khi nhân vật tới gần.

“Đồ nghề” của phóng viên thời công nghệ số - Ảnh 3

Máy ảnh số giảm thời gian xuất bản bài viết từ đơn vị tính ngày xuống còn tính theo phút, đặc biệt hiệu quả đối với loại hình báo trực tuyến. Các hãng sản xuất có dòng sản phẩm riêng cho những người làm báo nhằm phục vụ tối đa nhu cầu hình ảnh của họ. Đi kèm theo máy ảnh, ống kính là hàng đống phụ kiện khác: thẻ nhớ dự phòng, đầu đọc thẻ nhớ, đèn flash, hộp lưu trữ ảnh cấp tốc, cáp dữ liệu cao tốc với máy tính, …

3. Máy ghi âm số

Máy ghi âm là thiết bị quan trọng khi tác nghiệp và kỹ thuật số đã làm cuộc cách mạng đối với thiết bị này. Trước đây, máy ghi âm dùng băng từ chỉ có thể ghi được mỗi lần khoảng 30 phút, sau đó là phải lật băng. Máy ghi âm số hiện nay có thời lượng ghi âm đến hàng giờ tuỳ theo tỷ lệ nén.

“Đồ nghề” của phóng viên thời công nghệ số - Ảnh 4

Trên máy có nhiều tuỳ chọn về chế độ hoạt động như phòng họp, phỏng vấn, đám đông,… để cho chất lượng âm thanh tốt nhất. Một điểm nổi bật khác của các máy ghi âm số là người nghe nội dung ghi âm có thể di chuyển ngay tới đoạn nội dung âm thanh cần nghe giống như với một file nhạc MP3, không cần phải tua đi tua về như băng từ truyền thống trước đây.

4. Các “phụ tùng” khác

Những phóng viên chiến trường khi tác nghiệp còn được trang bị những bộ kết nối băng rộng qua vệ tinh. Mỗi đầu thu này có giá từ 2.000 – 5.000 USD. Người dùng chỉ cần hướng thiết bị này lên trời, thực hiện thao tác trên máy tính là có thể kết nối Internet với tốc độ từ 512 Kbps sau 2 phút, bất kể địa hình là đồi núi, hoang mạc hay rừng sâu. Thiết bị đắt tiền này chỉ được trang bị cho những phóng viên đặc biệt của hãng tin lớn như Reuters, AP, AFP,… khi tác nghiệp những vụ đặc biệt “nóng”.

“Đồ nghề” của phóng viên thời công nghệ số - Ảnh 5

Theo ý kiến của hầu hết người làm báo, công nghệ số đã làm một cuộc cách mạng trong lĩnh vực truyền thông. Tuy nhiên, những thiết bị hiện đại đó vẫn chỉ là công cụ. Yếu tố không thể thay thế quyết định chất lượng sản phẩm báo chí vẫn chính là phẩm chất và năng lực của người phóng viên.

Sưu tầm