Bí quyết đầu tư thành công: Kiểm soát điều kiểm soát được

Chúng ta không thể kiểm soát được thị trường, nhưng chúng ta có thể kiểm soát các hành động phản ứng của chúng ta.

Đầu tư thành công là việc kiểm soát (control) những gì có thể kiểm soát được (controllable). Chúng ta không thể kiểm soát được thị trường, nhưng chúng ta có thể kiểm soát các hành động phản ứng của chúng ta. Lâu dài, hiệu quả đầu tư phụ thuộc nhiều vào bạn có là nhà đầu tư (investor) tốt hay không, chứ không phải khoản đầu tư tốt (investment).

Bước đầu tiên để đạt được các mục tiêu tài chính (goals) là phải có các mục tiêu có thể đạt được (reachable). Kỳ vọng phải thực tế, không hoang tưởng. Thị trường chứng khoán không mang lại lợi nhuận cao chỉ bởi vì bạn cần điều đó.

Bước thứ hai là nhận diện những gì bạn phải đối đầu. Thông tin và các báo cáo thị trường hàng ngày khiến bạn nghĩ rằng đầu tư là một trò chơi, một môn thể thao đối kháng, một trận chiến … nó không phải là một cuộc thi chịu đựng trong môi trường khắc nghiệt. Đầu tư là đơn giản là nỗ lực vượt lên chính mình, chiến thắng kẻ thù là bản thân.

Thị trường không hoàn toàn hiệu quả, nhưng nó hiệu quả phần lớn thời gian. Cố gắng vượt qua thị trường (beat the market) là thú vị nhưng hiếm khi có được quà. Cờ bạc (gambling) với xác suất thắng thấp (poor odds) không có gì sai nếu bạn chỉ đặt một phần nhỏ tài sản vào đó.

Các nhà môi giới (brokers) ở sàn chứng khoán New York vỗ tay và hò reo khi chuông đóng cửa vào mỗi buổi chiều bởi họ biết rằng không quan trọng thị trường ngay hôm nay đã diễn ra thế nào, họ đều kiếm tiền bởi vì bạn đã cố gắng kiếm tiền. Mỗi khi bạn mua/bán một cổ phiếu, sẽ có người khác bán/mua cổ phiếu đó. Và phần lớn, người ở phía bên kia biết nhiều thông tin hơn bạn (asymmetric).

Tuy nhiên, bạn không cần phải thắng khi ai đó thua hay thua khi ai đó thắng. Bạn thắng khi bạn kiên định với kế hoạch dài hơi của mình, và bạn thua khi để cho lòng tham hay sự sợ hãi thay đổi kế hoạch của bạn.

Thời điểm đúng để mua là khi bạn có tiền nhàn rỗi. Thời điểm đúng để bán là khi bạn cần tiền cho một lý do gì đó rất quan trọng, cấp bách. Nếu bạn mua vì thị trường đã tăng hay bán vì thị trường đã giảm, bạn đang để hàng chục triệu người khác sai khiến cuộc sống của bạn với lòng tham và nỗi sợ của họ.

Một khi bạn bị mất tiền do rủi ro quá lớn, cách duy nhất để gỡ gạc lại là lao vào rủi ro lớn hơn. Nếu bạn thua lỗ 50%, bạn cần thắng 100% để về lại vị trí cũ, còn nếu thua lỗ 95%, bạn cần thắng 1900% để hòa vốn. Bạn có thể cực kỳ may mắn một vài lần, nhưng càng thử nhiều lần, bạn càng có khả năng bị toang. Rất nhiều người sống cuộc đời đầu tư như những con chuột chạy trong cái bánh xe, chạy nhanh hơn nhanh hơn và không đến đâu cả.

Nếu bạn muốn có nhiều tiền hơn, hãy tiết kiệm nhiều hơn.

Các khoản đầu tư vượt trội khi thị trường bull thì sẽ thiệt hại nhiều hơn khi thị trường bear. Không có khoản đầu tư nào hợp với cả bốn mùa. Đó là lý do cần đa dạng hóa danh mục: không đặt quá nhiều trứng vào một rổ dỏm (wrong basket). Mua một cái gì đó vừa mới tăng gấp đôi mà mong nó tiếp tục tăng gấp đôi là một ý tưởng rất ngu xuẩn (stupid idea).

Các mục tiêu tài chính của bạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tuổi tác, tình trạng hôn nhân, thu nhập, sự nghiệp hiện tại, người phụ thuộc.

Rủi ro là một hàm số của của xác suất và kết quả, không chỉ trong trường hợp đúng mà còn là trường hợp sai (upside vs. downside).

Các nhà đầu tư thường tự tin quá mức về độ chính xác các phân tích của họ và đánh giá thấp hệ lụy khi họ sai. Hiểu rõ những hạn chế của bản thân như là một nhà đầu tư thực thụ quan trọng hơn nhiều cho kế hoạch dài hạn của bạn, so với phân tích hay/dở của các khoản đầu tư riêng lẻ.

Trong ngắn hạn, thỏ có nhiều niềm vui hơn, nhưng trong dài hạn, rùa là người chiến thắng cuộc đua.

Nguồn
Statement of Principles. Bài viết của Jason Zweig trên jasonzweig.com.
Bản dịch tiếng Việt của Tiến sĩ Nguyễn Đình Trí (Chàng Ngốc Già) chia sẻ trên Facebook.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments