Nhan nhản lỗi chính tả ở “tài liệu hướng dẫn” của Bộ

Không chỉ sai sót hàng chục lỗi chính tả, văn bản hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy và học của Bộ GD&ĐT còn liên tục nhầm lẫn về học thuật ở nhiều môn học.

Không chỉ sai sót hàng chục lỗi chính tả, văn bản hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy và học của Bộ GD&ĐT còn liên tục nhầm lẫn về học thuật ở nhiều môn học.

Sau nhiều ngày chờ đợi, hôm 9/9 các Sở GD&ĐT trên cả nước cũng nhận được văn bản hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học các môn học được gọi tắt là tài liệu giảm tải. Việc ban hành tài liệu hướng dẫn này là chủ trương đúng của Bộ GD&ĐT vì nó phù hợp với nhu cầu của cả người dạy lẫn người học ở bậc học giáo dục phổ thông (từ Tiểu học đến THPT) nhưng khi nhận được tài liệu hướng dẫn thấy có rất nhiều sai sót. Nếu phải đính chính (mà có lẽ cần đính chính vì đây là tài liệu hướng dẫn phải thực hiện) thì tài liệu đính chính chắc cũng phải dày bằng phân nửa tài liệu đã ban hành.

Chỉ đọc lướt qua đã thấy có hàng chục lỗi chính tả mặc dù Bộ GD&ĐT là đơn vị chịu trách nhiệm về việc ban hành các quy định dạy và học về chính tả cho toàn dân. Việc lẫn lộn trong sử dụng “y” và “i” là rất phổ biến trong tài liệu, ví dụ như “quy định” được viết thành “qui định”. Viết hoa và viết tắt rất ẩu, ví dụ phải viết “Mông Cổ” thì lại viết là “Mông cổ”…

Những lỗi về chính tả mặc dù là không thể chấp nhận được trong một văn bản chính thức do Bộ GD&ĐT ban hành thì cũng có thể thông cảm được nhưng những lỗi về mặt học thuật thì quả thật không thể thông cảm được.

Chỉ xét riêng tại môn Lịch sử – môn học mà tác giả đang giảng dạy đã thấy rất nhiều “hạt sạn”. Tại bài 9 trang 36, “chính sách đối nội và đối ngoại của Nhật Bản sau chiến tranh” thì trong tài liệu lại ghi là “chính sách đối nội và đối ngoại của Mĩ sau chiến tranh” đúng là mang râu ông nọ cắm vào cằm bà kia. Tại bài 11 lớp 10 trong tài liệu ghi “Tây Âu thời trung đại” nhưng trong sách giáo khoa là “Tây Âu thời hậu trung đại”. Thực tế, thời trung đại và thời hậu trung đại khác hẳn nhau.

Tại bài 21 lớp 10 trong tài liệu ghi “Nhà nước phong kiến ở Đàng trong” nhưng trong sách giáo khoa ghi là “Chính quyền ở Đàng trong”. “Nhà nước” và “Chính quyền” là hai khái niệm nhiều khi khác nhau và không thể thay thế cho nhau.

Chỉ môn học Lịch sử đã có nhiều vấn đề như vậy liệu rằng các môn khác có tránh khỏi các sai sót? Chắc chắn không thể nói là không. Ví dụ tại mục 5 hướng dẫn thực hiện các nội dung của tài liệu hướng dẫn cấp THCS thì lại ghi rất rõ ràng là hướng dẫn này dựa trên SGK của NXB Giáo dục ấn hành năm 2011, là SGK của chương trình chuẩn đối với cấp THPT. Tại sao đối với cấp THCS lại dựa trên SGK của cấp THPT?

Những sai sót mang tính kỹ thuật như thế này bắt người thực hiện phải suy đoán để hiểu và thực hiện mà nếu hiểu sai dẫn đến thực hiện sai thì hậu quả sẽ rất khó lường. Khi đó ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm? Câu hỏi này xin để Bộ GD&ĐT – cơ quan ban hành “tài liệu hướng dẫn” trả lời.

Theo: VnExpress