Chuyện tình ái nơi công sở lúc nào là một chủ đề nóng hổi với cả những người trong và ngoài cuộc. Hàng loạt vụ scandal tình dục của những người ở vị trí cấp cao đã khiến những tập đoàn, tổ chức lớn phải lao đao, uy tín bị ảnh hưởng nặng nề. Khi một vụ bê bối kiểu như vậy bị vỡ lở, ít nhất có 3 đối tượng bị ảnh hưởng quyền lợi. Đó là chính bản thân họ và gia đình, doanh nghiệp, các cổ đông.
Tình dục và quyền lực: Câu chuyện muôn thủa
Đa phần những câu chuyện xảy ra nơi làm việc đều liên quan đến những lãnh đạo nam ở vị trí cấp cao với nữ quản lý hoặc nhân viên cấp dưới. Mặc dù đã có rất nhiều tiến bộ nhưng dù ở những nước tiên tiến nhất, phụ nữ vẫn rất khó đạt được những vị trí cao trong các công ty. Thế giới quyền lực vẫn chủ yếu thuộc về đàn ông. Điều này làm nảy sinh sự thích ứng tự nhiên đó là nhiều phụ nữ cần đến sự hỗ trợ từ lãnh đạo nam giới để thăng tiến hơn. Tất nhiên sự mời gọi rõ ràng từ phía các ông chủ là một nguyên nhân chính dẫn đến những mối quan hệ kiểu này.
Một trường hợp kinh điển là việc Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Paul Wolfowitz bị yêu cầu từ chức sau khi bị phanh phui chuyện tăng lương và thăng chức cho người tình là nhân viên cấp dưới. Năm 2010, Tổng giám đốc Hewlett-Packard (HP) Mark Hurd đã phải từ chức sau vụ scandal tình ái với một nhà thầu nữ, gây lao đao cho làng công nghệ.
Mới đây, Dominique Strauss-Kahn, cựu Tổng giám đốc IMF cũng phải từ chức sau khi bị bắt vì bị buộc tội cưỡng hiếp. Tất nhiên, tội cưỡng hiếp không phải là trò tình ái nơi công sở nhưng theo nhiều tờ báo phanh phui sau đó, đây không phải là lần đầu tiên ông Dominique có những hành vi tình dục không thích hợp.
Năm 2008, ông cũng vướng vào một vụ kiện cáo nhưng sau đó IMF đã kết luận rằng ông Strauss-Kahn không vi phạm quy định gì khi ngủ với một đồng nghiệp nữ. Có lẽ nào ngủ với một người hàng ngày phải báo cáo công việc với mình sẽ không ảnh hưởng gì ?
Tờ New York Times cho rằng đây là một vấn đề với giới tính. Phần lớn đàn ông có vị trí nghề nghiệp cao hơn phụ nữ. Tuy nhiên điều này cũng không hẳn đúng.
Đây cũng còn là vấn đề văn hoá. Chắc chắn không chỉ một mình ông Strauss-Kahn ngủ với đồng nghiệp của mình. Tờ New York Times mô tả văn hoá tại IMF là một kiểu mô hình được thống trị bởi những “nhà kinh tế cường tráng” (Người ta không hay dùng từ “cường tráng” để mô tả về những nhà kinh tế, nhưng có lý do để nói như vậy trong trường hợp này).
Những hành vi tình dục không thích hợp không chỉ giới hạn ở các nhà kinh tế, doanh nhân. Mới đây trường học Sidwell Friends School ở Mỹ đã bị một ông bố kiện về việc một giáo viên tâm lý học của trường đã quan hệ tình cảm với mẹ của chính học sinh của mình.
Bài toán khó cho quản trị doanh nghiệp
Theo bà Slyvia Ann Hewlett, giám đốc Trung tâm chính sách cuộc sống công sở (New York, Mỹ), việc quan hệ vụng trộm giữa những người có vị trí cao trong công sở không chỉ là việc riêng của hai người mà còn gây ảnh hưởng tồi tệ đến hiệu quả làm việc, không khí làm việc chung.
Tất nhiên, công sở cũng là nơi mọi người gặp gỡ nhau và đôi khi họ tìm thấy tình yêu thực sự. Nhưng hầu hết những mối quan hệ tình ái công sở lại liên quan đến người đã có gia đình hoặc người yêu.
Không thể phủ nhận, chuyện tình nơi công sở rất hấp dẫn và kích thích, nhưng nó cũng kéo theo nhiều gánh nặng. Bạn sẽ khó có thể công bằng trong công việc. Rõ ràng là, không có mối quan hệ lãng mạn nào giữa nhân viên và sếp mà không tạo ra xung đột về lợi ích.
Tình bạn giữa người giám sát và người bị giám sát luôn gây sự nghi nghờ và thiên vị tại nơi làm việc. Nếu một trưởng phòng A có tình cảm với một nhân viên B, làm sao biết chắc nhân viên B được đánh giá hơn những nhân viên khác là vì cô ấy giỏi hơn. Việc đánh giá nhân viên nhiều khi dựa rất nhiều vào cảm tính. Ngay cả nếu cô B có thực sự giỏi hơn, những người còn lại trong phòng cũng vẫn nghĩ rằng đó là do cô ấy được thiên vị.
Vậy phải làm sao? Rất khó đưa ra chính sách quản lý cho việc hẹn hò nơi công sở bởi làm sao định nghĩa được thế nào là hẹn hò hay quan hệ ? Hai nhân viên đi xem phim với nhau có phải là hẹn hò không? Làm sao xác định được hành vi tình dục ? Một khi chính sách được đưa ra, nó phải rõ ràng và khả thi. Không thể ghi là “cấm quan hệ” bởi như thế nào là “quan hệ”.
Theo bà Slyvia, dù khó nhưng các công ty, doanh nghiệp cũng nên có vai trò chủ động hơn trong vấn đề này, không nên bỏ qua việc đưa ra các quy định để hạn chế những tác hại. Bản thân các ông chủ cũng không nên coi thường vấn đề này. Các ông, nhất là những người đã có gia đình, nên luôn nhớ rằng làm lãnh đạo là phải có trách nhiệm và biết tự kiềm chế.
Và cả những nhà quản lý nữ cũng nên luyện tập đức tính kìm chế. Mặc dù có thể đầy hấp dẫn và đem lại những mối lợi trước mắt, nhưng quan hệ tình ái với một ông sếp đã có gia đình là hết sức nguy hiểm và có thể gây những hậu quả lâu dài.
Như một quy luật chung, công ty không nên can thiệp đời sống cá nhân của nhân viên, nhưng khi cuộc sống cá nhân bị đưa vào công sở thì công ty cần phải bảo vệ chính mình.
Theo: VnMedia